Vì sao phân lô bán nền gây bao hậu họa như thế nhưng các địa phương chỉ có thể tạm dừng, chấn chỉnh… để rồi lắng dịu nơi này lại bùng lên ở nơi khác, kịch bản cũ vẫn lặp lại, tạo ra những cơn sốt đất ảo, đẩy cơ quan chức năng vào thế chống đỡ…
1. Pháp luật không cấm phân lô nhưng vì sao nhiều địa phương, liên tục trong thời gian dài, lần lượt phải đưa ra giải pháp "chữa cháy": tạm dừng "phân lô" để chấn chỉnh hay ban hành các biện pháp để ngăn chặn cơn sốt đất "bán nền".
Trước đây là TP.HCM, rồi gần đây là Bình Thuận, Khánh Hòa, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Phước…
2. Hệ lụy của phân lô bán nền là hàng loạt dự án ma, đất quy hoạch để sản xuất nông nghiệp bị biến thành "nền, đất ở" và… bỏ hoang. Cả "núi tiền" của xã hội chôn vào "đất nền" mà không rõ ai sẽ là người mua sau cùng để xây nhà ở!?
Toàn dân đô thị đi mua đất nông nghiệp theo giá "đất nền" ở những nơi đèo heo hút gió, lắm khi cả đời họ cũng chưa đặt chân đến, vậy mà ai cũng vui vẻ "lời to"!?
Chỉ riêng trong vụ Công ty Alibaba đã có tới 58 dự án bất động sản "ma" với hàng ngàn hecta đất bị bỏ hoang lãng phí và gần 4.400 người dân bị chiếm đoạt hơn 2.200 tỉ đồng.
3. Cơn bão phân lô bán nền hoành hành khắp cả nước. Đất nông nghiệp được bán cho "cò phân lô" vẽ dự án, sau đó tách thửa bán theo giá đất nền.
Nông dân đua nhau bán đất, đồi núi và nương rẫy bị san ủi bằng phẳng. Nông dân không còn đất, có được ít tiền liệu có đảm bảo sinh kế lâu dài, trong khi hưởng lợi là những tay "cò phân lô".
4. Đã có nhiều cán bộ địa phương bị xử lý vì lơi lỏng, thậm chí tiếp tay cho "dịch" phân lô bán nền. Con số này có thể không dừng ở đó nếu cơ quan chức năng không làm đến nơi đến chốn. Mất cán bộ, dân vẫn mất đất, quy hoạch sử dụng đất bị phá nát, một bộ phận giàu lên. Đó là sự phát triển không bền vững.
5. Câu hỏi đặt ra là vì sao phân lô bán nền gây bao hậu họa như thế nhưng các địa phương chỉ có thể tạm dừng, chấn chỉnh… để rồi lắng dịu nơi này lại bùng lên ở nơi khác, kịch bản cũ vẫn lặp lại, tạo ra những cơn sốt đất ảo, đẩy cơ quan chức năng vào thế chống đỡ…!
Trên đây chỉ là vài nét mà phóng viên Tuổi Trẻ đã ghi nhận và phản ánh trong tuyến bài "Họa phân lô bán nền" khởi đăng từ ngày 18-4. Một thực trạng nhức nhối mà các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và các đại biểu Quốc hội cần lắng nghe nhiều chiều để có biện pháp ứng xử phù hợp, đặc biệt là khi chúng ta đang có kế hoạch sửa đổi Luật đất đai.
Theo: Tuổi Trẻ
Nguồn: https://tuoitre.vn/vui-ve-phan-lo-co-bat-thuong-20220418083632555.htm
Post a Comment