Tổng giá trị 3 sản phẩm condotel, shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng trên cả nước hiện nay hơn 681.800 tỉ đồng, tương đương khoảng 30 tỉ USD. Tuy nhiên, khối tài sản này đang đóng băng vì thiếu hành lang pháp lý cho bất động sản nghỉ dưỡng.
TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV - cho biết tại tọa đàm điểm nghẽn pháp lý và giải pháp khơi thông nguồn lực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam, do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) phối hợp Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam, tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tổ chức chiều 21-4 tại Hà Nội.
Số liệu thống kê của VNREA cho thấy cả nước hiện có 239 dự án bất động sản du lịch, với khoảng 114.000 căn condotel (căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn nghỉ dưỡng), giá trị ước tính 297.000 tỉ đồng; gần 24.400 biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, giá trị ước tính 244.000 tỉ đồng; gần 30.900 shophouse (nhà phố thương mại), giá trị ước tính 154.000 tỉ đồng.
Tổng giá trị của 3 loại hình bất động sản nghỉ dưỡng này ước tính lên tới hơn 681.800 tỉ đồng, tương đương khoảng 30 tỉ USD. Dù tổng giá trị tài sản các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng này rất lớn nhưng đến nay hầu hết các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng chưa được cấp chứng nhận quyền sở hữu (sổ hồng) cho các nhà đầu tư thứ cấp, nên chưa thể giao dịch, mua bán trên thị trường thứ cấp, đây chính là điểm nghẽn trong phát triển các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng thời gian qua.
Cũng theo TS Cấn Văn Lực, hầu hết các sản phẩm bất động sản du lịch này tập trung tại 15 địa phương có thế mạnh về du lịch trên cả nước, gồm Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định (Quy Nhơn), Phú Yên, Khánh Hòa (Nha Trang, Cam Ranh), Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang (Phú Quốc).
Dù chỉ phát triển mạnh trong khoảng 5 năm gần đây nhưng số căn hộ condotel và biệt thự du lịch hiện đóng góp khoảng 21,3% số lượng buồng phòng khách sạn từ 3-5 sao trên cả nước, TS Cấn Văn Lực cho biết thêm.
Dù đóng góp lớn vào việc hoàn thiện hạ tầng du lịch nghỉ dưỡng trên cả nước, nhưng loại hình căn hộ condotel, biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse đang gặp nhiều rắc rối trong mua bán, chuyển nhượng, đầu tư mới khi hành lang pháp lý cho bất động sản nghỉ dưỡng chưa hoàn thiện.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội, loại hình condotel là "con lai" giữa căn hộ chung cư và phòng khách sạn, khái niệm condotel chưa được làm rõ, và đang tồn tại khoảng trống pháp lý đối với hoạt động đầu tư, xây dựng, mua bán, vận hành kinh doanh condotel.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty luật FBLaw, cũng cho rằng bất động sản nghỉ dưỡng chịu tác động nhiều luật khác nhau, nhưng khái niệm các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng lại chưa rõ ràng. Chủ đầu tư dự án được cấp quyền sử dụng đất nhưng nhà đầu tư thứ cấp lại chưa được cấp quyền sử dụng đất. Đây là điểm nghẽn cần tháo gỡ với thị trường này.
Cùng quan điểm này, GS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, nhấn mạnh trong Luật đất đai không có loại hình đất du lịch nghỉ dưỡng. Để thúc đẩy phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trong thời gian tới cần sửa luật theo hướng có một phần đất ở lâu dài trong các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, đồng thời nhà đầu tư thứ cấp và chủ đầu tư cùng khai thác dự án.
Để gỡ vướng cho hàng trăm dự án bất động sản nghỉ dưỡng trên cả nước, Bộ Tài nguyên và môi trường đang xây dựng nghị định sửa đổi các nghị định hướng dẫn Luật đất đai theo hướng bổ sung quy định cấp sổ hồng cho các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng.
Theo: Tuổi Trẻ
Nguồn: https://nhadat.tuoitre.vn/30-ti-usd-dong-bang-trong-condotel-shophouse-biet-thu-nghi-duong-20220421195904608.htm
Post a Comment