Rau tăng giá gấp đôi vì xăng
'Xăng, dầu tăng giá khiến cái gì cũng tăng theo, tôi đi chợ mua rau bây giờ cũng tốn tiền gấp đôi bình thường'.
Tác giả Vũ Thị Minh Huyền là Tiến sĩ, đang công tác tại Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam.
Việc giá xăng, dầu tăng cao thời gian gần đây đã gây những tác động không nhỏ tới đời sống của người dân và doanh nghiệp vốn đã rất khó khăn trong đại dịch. Với doanh nghiệp, việc giá xăng, dầu ở mức cao đã làm đã tác động lớn đến chi phí hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là, trong thời điểm các doanh nghiệp mới bắt đầu phục hồi sản xuất, kinh doanh trở lại sau dịch Covid-19. Chi phí đầu vào tăng cao, các dịch vụ, phí, cước giao hàng... đều tăng giá, khiến doanh nghiệp buộc phải tính toán, cân đối, tăng giá theo để cầm cự trong giai đoạn khó khăn trăm bề như hiện nay.
Còn với người dân, việc điều chỉnh giá xăng, dầu gần đây đã ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ gia đình, khi mà các loại hàng hóa cũng được điều chỉnh tăng giá theo do tác động của giá xăng. Nhiều gia đình buộc phải cân đối lại tài chính và thắt chặt chi trong tiêu dùng hàng ngày.
Một người bạn than thở với tôi: "Xăng, dầu tăng giá khiến cái gì cũng tăng theo. Tôi đi mua rau bây giờ tăng gấp đôi, bình thường một củ su hào chỉ có giá 5.000 đồng mà giờ lên 10.000 đồng; 1 kg rau cải trước chỉ có giá 15.000 đồng nhưng giờ cũng tới 25.000 đồng; 1 kg roi vốn chỉ có giá 40.000 đồng, bây giờ cũng lên 60.000 đồng; 1 kg cam sành Hà Giang trước có giá 10.000 đồng, giờ thành 30.000 đồng... Bình thường tôi đổ 100.000 đồng tiền xăng là đầy bình xe máy, nhưng bây giờ phải thêm 50.000 đồng nữa mới đủ".
Với người đi xe máy đã vậy, người đi ôtô còn khó khăn hơn gấp bội: "Tôi đi ôtô bình thường đổ hơn một triệu đồng là đầy bình xăng, bây giờ phải mất hơn hai triệu đồng mới đầy được bình. Tính chất công việc kinh doanh phải đi giao dịch nhiều, một ngày có khi đi cả trăm km. Nếu giá xăng cứ giữ ở mức cao mãi như thế này thì có khi tôi phải tính cách khác để giảm chi phí", một người bạn khác than phiền.
Khi mỗi lít xăng RON 95 tăng giá lên gần 30.000 đồng, các tài xế taxi cũng không dám lái xe lòng vòng để tìm kiếm khách như trước kia nữa. "Chúng tôi chờ đợi các khách hàng tự tìm tới chứ không dám chủ động tìm kiếm họ nữa", một anh tài xế taxi ở quận Hà Đông nói với tôi như vậy.
Rõ ràng, trong bối cảnh giá xăng, dầu tăng cao, Nhà nước cần có chính sách tháo gỡ bớt những khó khăn cho người dân, nhất là tác động của giá nhiên liệu. Vậy giải pháp nào để kìm giá xăng, dầu. Theo tôi, có thể tham khảo cách làm của một số quốc gia khác, như:
Thứ nhất, điều chỉnh giảm giá xăng dầu bằng cách giảm thuế và phí. Cần cắt giảm thuế bảo vệ môi trường nhiều hơn nữa để bảo vệ sức mua của người tiêu dùng.
Thứ hai, cần tính đến giảm thuế nhập khẩu. Nếu giá xăng dầu trong nước cao hơn giá nhiều nước trên thế giới, phải tính giảm thuế nhập khẩu. Việc giảm thuế nhập khẩu để tăng nguồn cung từ bên ngoài, khi nguồn cung dồi dào, giá sẽ ổn định.
Thứ ba, hỗ trợ việc giảm các loại chi phí khác cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Có thể xem xét giảm những loại thuế phí khác trong doanh nghiêp vận tải như các chi phí về kiểm định, các chi phí khi xe lăn bánh trên đường hoặc có thể hỗ trợ các chi phí về cầu đường đối với những cái hoạt động vận tải... Đây cũng là biện pháp để giảm thấp phí cho doanh nghiệp.
Thứ tư, có thể trích sử dụng Quỹ bình ổn giá để xăng, dầu không tăng quá cao, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.
Thứ năm, đẩy mạnh sản xuất trong nước, như đẩy mạnh khai thác dầu thô, đưa các nhà máy lọc hóa dầu hoạt động công suất tối đa...
Có thể nói, bình ổn giá xăng, dầu để kiểm soát lạm phát là mối quan tâm hàng đầu hiện nay của Việt Nam. Tuy nhiên, việc này phải nằm trong bối cảnh tổng thể chung của giá thế giới, chứ không thể bằng mọi biện pháp để đẩy giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá thế giới. Các chính sách giảm thuế cần tính toán, dựa trên bối cảnh, tình hình thực tế, trong từng thời điểm có thể điều hành linh hoạt bằng một số cơ chế, chính sách để đảm bảo giá xăng, dầu ổn định nhất và ít gây đột biến nhất đối với nền kinh tế.
Khi môi trường kinh tế thuận lợi thì Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng chia sẻ, còn khó khăn thì phải cùng gánh vác. Trong lúc các doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do dịch bệnh thời gian qua, Nhà nước chia sẻ khó khăn đó bằng việc áp dụng rất nhiều các chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.
Ngân sách Nhà nước đang rất khó khăn cho nên việc doanh nghiệp và người dân chia sẻ khó khăn với Nhà nước là một điều tất yếu. Điều quan trọng là sự điều hành linh hoạt, hài hòa lợi ích giữa các bên để làm sao người Việt cùng nhau vượt qua khó khăn. Đó mới là vấn đề quan trọng nhất.
Vũ Thị Minh Huyền
Nguồn: https://vnexpress.net/rau-tang-gia-gap-doi-vi-xang-4438298.html