Đầu tư gì từ nay đến cuối năm: Mua vàng, chứng khoán, bất động sản hay gửi tiết kiệm ngân hàng?

Chuyên gia nhận định, vàng khó có nhiều sóng trong thời gian tới và thậm chí còn giảm giá. Vậy còn chứng khoán, bất động sản thì sẽ diễn biến ra sao?


Chia sẻ tại F TALK với chủ đề: "Điểm đến dòng tiền những tháng cuối năm" mới đây, ông Nguyễn Duy Thành, Trưởng Phòng Phân tích chiến lược Danh mục đầu tư Công ty chứng khoán Pinetree cho biết, trong thời gian tới, chứng khoán là kênh đầu tư nên được chú trọng.

Bởi dự báo, thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn. Vàng thì không còn hấp dẫn nhà đầu tư nữa. Trong khi trên thị trường chứng khoán, nhiều cổ phiếu đã về vùng giá hấp dẫn sau đợt điều chỉnh mạnh vừa qua.

Giải thích rõ hơn, vị chuyên gia cho biết, giai đoạn 2020-2021, rất nhiều nhà đầu tư cá nhân đã tham gia vào thị trường chứng khoán, họ mua rất mạnh trong khi nhà đầu tư nước ngoài lại bán ròng. Diễn biến trên thị trường do đó bị chi phối bởi lượng lớn nhà đầu tư "F0". Lớp nhà đầu tư này đem lại đặc tính cho thị trường là tăng nhanh nhưng giảm cũng nhanh và cực kỳ nhạy với các thông tin, tin tốt thì tăng mà tin xấu thì giảm, tạo nên biên độ dao động rất lớn. Điều này khác với thị trường chứng khoán ở các nước phát triển, khi nhà đầu tư tổ chức chiếm đa số.

Trong giai đoạn 2020-2021, nhà đầu tư tập trung nhiều vào cổ phiếu tăng trưởng hơn cổ phiếu giá trị. Nhưng xu hướng này đảo ngược năm 2022 khi hầu hết các quốc gia trên thế giới tăng lãi suất, giai đoạn "tiền rẻ" dần kết thúc khiến thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh.

Đáng chú ý, thanh khoản vừa qua giảm nhưng biên độ cũng giảm theo và ổn định hơn. Thời gian này, nhà đầu tư nước ngoài là lực lượng mới, đang dần mua ròng. Thị trường Việt Nam, bên cạnh Indonesia và Thái Lan là 3 thị trường được mua ròng nhiều nhất trong các nước Đông Nam Á từ đầu năm đến nay.

"Nhà đầu tư nước ngoài vẫn là những NĐT lâu đời và sẽ đem đến sự ổn định cho thị trường chứng khoán Việt Nam, ít nhất là từ nay đến cuối năm", ông Thành nhận định.

Hơn nữa, những thông tin về điều chỉnh lãi suất đều đã phản ảnh vào diễn biến thị trường 6 tháng vừa qua. Chúng ta có thể kỳ vọng bức tranh tươi sáng hơn trong nửa cuối năm.

Tuy nhiên, về định giá, PE hay PB có sự phân hóa mạnh trong các nhóm cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, PE và PB hiện nay đã về mức hấp dẫn, thậm chí tương tự năm 2019. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ, các chỉ số định giá vẫn còn cao, ngay cả khi thị trường đã điều chỉnh mạnh thời gian qua.

Ông Nguyễn Duy Thành tại chương trình F Talk : "Điểm đến dòng tiền những tháng cuối năm"

"Do đó, chúng ta không nên kỳ vọng là hầu hết cổ phiếu đồng khởi cùng tăng lên trong nửa cuối năm nay. Đặc biệt là như phân tích, yếu tố dòng tiền của nhà đầu tư F0 đã rút đáng kể ra khỏi thị trường. Việc cùng tăng, cùng giảm sẽ không xảy ra nữa".

Chuyên gia của Chứng khoán Pinetree cho rằng, nhóm cổ phiếu phân khúc BĐS công nghiệp sẽ là một nhóm ngành hấp dẫn thời gian tới.

Bên cạnh việc Việt Nam tiếp tục hiện đại hóa công nghiệp hóa thì thị trường BĐS công nghiệp có nhiều yếu tố hỗ trợ. Ở những khu tập trung nhiều doanh nghiệp FDI như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Giang, Bắc Ninh, quỹ đất không còn nhiều. Do đó, dù giá có tăng lên thì cũng không có sẵn. Giá cho thuê đất KCN ở Việt Nam so với các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan thì giá thuê của chúng ta vẫn rẻ trong khi nguồn lao động của chúng ta vẫn dồi dào.

Thêm vào đó, Việt Nam đang thúc đẩy đầu tư công, phát triển Logistic trong dài hạn là yếu tố đòn bẩy để thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư vào. Căng thẳng Mỹ - Trung có lúc lên lúc xuống nhưng vẫn còn đó và vì vậy, một trung tâm sản xuất bên cạnh Trung Quốc như Việt Nam là một điều rất hấp dẫn các tập đoàn lớn trên thế giới.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể để ý hơn đến những nhóm ngành có khả năng phòng thủ trước lạm phát tăng cao. Cổ phiếu điện, đặc biệt là ngành thủy điện cũng đáng chú ý, vì năm nay, đầu vào các công ty điện than, điện khí đều tăng mạnh. Do đó, thủy điện với giá thành ổn định sẽ huy động được nhiều hơn, có thể tăng doanh thu, lợi nhuận.

"Bây giờ không còn "tiền rẻ", tất cả cùng lên, cùng xuống mà thị trường chứng khoán đi vào giai đoạn phân hóa nhiều hơn. Những cổ phiếu có bảng cân đối kế toán tốt, tài chính tốt, có tiềm năng kinh doanh, có khả năng tự vệ trước lạm phát là những điểm đến cho dòng tiền thông minh thời gian tiếp theo", ông Thành lưu ý.

Với thị trường vàng, vị chuyên gia dự báo sẽ không còn nhiều sóng xuất hiện và thậm chí giá vàng còn có thể giảm trong thời gian tới. Bởi hầu hết những chính sách của các nền kinh tế đã khá rõ ràng, Mỹ sẽ tăng lãi suất, EU cũng vậy, Trung Quốc thì tìm cách hạ cánh mềm cho "bong bóng" bất động sản của họ. Vàng sẽ không còn là kênh trú ẩn hấp dẫn.

Giai đoạn 10 năm trước, vàng nhiều biến động hơn. Nhưng bây giờ, sóng vàng ít hơn. Nguyên nhân là trước đây, khả năng tiếp cận của người có tiền vào các kênh đầu tư khó hơn bây giờ. Hiện tại, nhà đầu tư coi vàng là kênh trú ẩn, nhưng là trú ẩn ngắn hạn trước khi họ tìm ra kênh đầu tư mới.

Thanh Anh
Theo Nhịp sống kinh tế
Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/dau-tu-gi-tu-nay-den-cuoi-nam-mua-vang-chung-khoan-bat-dong-san-hay-gui-tiet-kiem-ngan-hang-20220830144829893.htm

Post a Comment

Previous Post Next Post