Giá đất có nơi tăng đến 5 lần trong một năm

Hoạt động đầu cơ, đòn bẩy tài chính, môi giới liên kết gây sốt ảo... được cho là những lý do khiến giá đất tăng mạnh trong thời gian qua.


Sáng 11/5, tại buổi khai mạc Phiên họp thứ 11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.

Liên quan đến lĩnh vực đất đai, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết thời gian qua đất nền vùng ven tại một số nơi tăng nóng, lên cao gấp 2-3 lần, thậm chí gấp 5 lần trong vòng 1 năm. Nhiều ý kiến cho rằng sự tăng giá này xuất phát từ hoạt động đầu cơ.

“Việc thị trường bất động sản phát triển nóng có tính chất đầu cơ dẫn đến việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp dùng đòn bẩy tài chính để đầu cơ, tiềm ẩn rủi ro nợ xấu cho ngân hàng thương mại gia tăng”, bà Thanh cho biết.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Cũng theo bà Thanh, có ý kiến cho rằng việc tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư vào chứng khoán, bất động sản cho thấy cầu tiêu dùng yếu, việc mở rộng sản xuất kinh doanh kém hiệu quả…

Trưởng ban Công tác đại biểu lưu ý thêm, lượng vốn đổ vào đầu tư chứng khoán, bất động sản lớn nhất về quy mô và tỷ trọng từ trước đến nay. Tăng trưởng tín dụng bất động sản lên đến hơn 17,14%, cao hơn mức tăng trưởng tính dụng binh quân của hệ thống. Dự nợ tín dụng đổ vào thị trường bất động sản chiếm 20,11% dự nợ toàn hệ thống.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/3/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 783.942 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 188.105 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 24% tổng dư nợ); Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 121.153 tỷ đồng (chiếm 15,4% tổng dư nợ)…

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga.

Trong khi đó theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, thời gian qua thị trường quyền sử dụng đất có dấu hiệu bất ổn. Những hiện tượng sai phạm trong đấu giá đất; môi giới bất động sản liên kết với nhau để nâng giá đất gây sốt đất, làm bất ổn thị trường.

Bên cạnh đó, trong việc sử dụng đất đai còn xảy ra tình trạng lãng phí, nhiều nơi đất đai để không không đưa vào sử dụng. Tình trạng khiếu nại, tố cao liên quan đến đất đai còn nhiều và phức tạp.

“Khiếu nại, tố cáo về đất đai chiếm gần 70% trong tổng số khiếu nại tố cáo”, bà Nga nhấn mạnh.

Còn trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết thu tiền sử dụng đất có mức tăng lớn so với dự toán (tăng 74.081 tỷ đồng). Tuy nhiên theo ông Cường, đây là khoản thu không ổn định, không bền vững cho cân đối ngân sách địa phương.

Quyết tâm hoàn thiện sửa đổi Luật Đất đai năm 2023

Trước những vấn đề của thị trường bất động sản, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác hợp lý, thận trọng, có lộ trình phù hợp, bảo đảm khai thác hiệu quả, lâu dài tài nguyên đất. Đặc biệt có biện pháp kiểm soát để tránh tình trạng tăng nóng trong lĩnh vực bất động sản. Đồng thời, cần xây dựng dự toán sát hơn để điều hành ngân sạch nhà nước chủ động, hiệu quả.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Trong khi đó Uỷ ban Kinh tế đề nghị cần có giải pháp quản lý chặt chẽ các giao dịch bất động sản chưa đạt chuẩn; có giải pháp phù hợp để xác định sát giá thị trường bất động sản nhằm tránh thất thu thuế.

Bên cạnh đó cần nghiên cứu, đánh giá, có phương án ứng xử, tiếp cận phù hợp, kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

“Quyết tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để hoàn thành việc sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2023”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết.

Theo Thùy An

VTV.VN

Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/gia-dat-co-noi-tang-den-5-lan-trong-mot-nam-20220511112955368.htm

Post a Comment

Previous Post Next Post